Quốc lộ, đường Hồ Chí Minh qua Nghệ An nứt gãy, sạt lở nghiêm trọng

Ngày 13/10/2022

Mưa lớn kéo dài từ ngày 28/9 đến 3/10 đã khiến nhiều tuyến quốc lộ qua Nghệ An bị hư hại nặng nề.

 

Ngày 12/10, đoàn công tác của Cục Đường bộ Việt Nam đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An và xây dựng phương án xử lý khôi phục.

 


 

Điểm sạt lở hơn 10 nghìn khối đất đá trên QL48D.

 

Tại hiện trường, ông Nguyệt Việt Phương - Trưởng văn phòng quản lý đường bộ II.2 (Khu QL ĐB II), cho biết: "Sau khi Bão số 4 đổ bộ vào các tỉnh Nam miền Trung, hoàn lưu bão đã gây ra mưa lớn trên diện rộng và kéo dài ở khu vực Nghệ An.

 Những trận mưa đầu tiên đã khiến hàng loạt các tuyến đường bị ngập tắc cục bộ và sạt lở. Tiếp đó, tình trạng sạt lở, ngập lụt càng gia tăng khi mưa không dứt kết hợp các hồ chứa, đập thủy điện đồng loạt xả lũ.

Các tuyến QL48, QL46C, Đường Hồ Chí Minh Minh xảy ra ngập sâu khiến nhiều nơi phải tiến hành phân luồng phương tiện".

 

 

Mặt đường QL1 ở Nghệ An hư hỏng nặng do mưa ngập, lưu lượng xe lớn, Công ty CP QL&XD đường bộ 470 đang tiến hành cào bóc vá ổ gà chờ phương án sửa chữa từ cấp trên.

 

Mưa lớn, nước đọng, ngập đường kết hợp lưu lượng xe lớn, khiến bề mặt đường các tuyến hư hỏng nghiêm trọng. Chỉ tính trên mặt đường QL1 có tới 18.000m2 bị hư hỏng, 1.000m2 ổ gà ở 291 vị trí. Có những điểm như cầu vượt đường sắt Nghi Yên Km437+581, cầu kênh Nhà Lê bị sụt khe co giãn khiến 1 số xe đi qua bị nổ lốp.

 

 

 

Điểm sạt ở Dốc Chó QL7, Con Cuông. Ngoài việc năm nào cũng xảy ra sạt lở, trong mấy ngày mưa lũ vừa qua ở đây đã xảy ra sạt tới 18 lần.

 

Ngoài ra, trong đêm mùng 1 sáng ngày 2/10, mưa lớn đã khiến hàng chục điểm trên QL7 xảy ra sạt lở. Nghiêm trọng nhất là điểm sạt ở Dốc Chó (Km110+800) và lũ quét ở khu vực huyện Kỳ Sơn. Tổng thiệt hại về công trình giao thông trên các tuyến quốc lộ mà Khu II quản lý lên đến 54 tỷ đồng.

"Để đảm bảo giao thông cho người dân đi lại và phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, Khu đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức phân luồng ở các điểm ngập, đào xúc đất đá sạt lở để thông xe bước 1; dặm vá ổ gà trên QL1... Tuy nhiên, do khối lượng sạt lở và thiệt hại công trình quá lớn nên phải chờ tư vấn đánh giá, lên phương án và báo cáo Cục QLĐB Việt Nam", ông Phương cho biết thêm.


 

Điểm sạt taluy âm ở Km 750+070 đường Hồ Chí Minh khiến 1 phần nền đường bị trôi xuống vực sâu gần 10m

 

Đối với các tuyến do Sở GTVT Nghệ An quản lý, ông Hồ Bá Thái - Giám đốc Ban QLDA Vốn sự nghiệp, cho hay: Đợt mưa bão vừa qua cũng gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các tuyến quốc lộ do Bộ GTVT ủy thác cho Sở quản lý.

Qua kiểm kê sơ bộ, các tuyến quốc lộ bị sạt lở ta luy dương với khối lượng hơn 170.000 m3. Sạt lở taluy âm 26 vị trí. Hư hỏng hơn 13.000 m2 nền mặt đường, hàng chục nghìn mét cống rãnh hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính 45,5 tỷ đồng.

 

 

Một nửa quả núi đá vôi Eo Lèn đổ xuống QL48E, đơn vị đường bộ phải mất 1 tuần phá đá mới thông xe bước 1.


Cá biệt có vị trí sạt tại dốc Eo Lèn (xóm Tân Long, xã Tân Long, huyện Tân Kỳ). Cả nửa quả núi đá vôi đổ ập xuống khoả lấp 100m đường. Đơn vị đường bộ phải mất 1 tuần liên tục để đập đá, đào xúc mới thông xe bước 1".

Quá trình kiểm tra các vị trí hư hỏng, sạt lở, ông Nguyễn Xuân Ảnh - Cục phó Cục Đường bộ Việt Nam, yêu cầu: Khu QLĐB II và Sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tiến hành hót dọn đất đá để nhanh chóng thông xe bước 2, đồng thời sửa chữa sớm khôi phục lại hiện trạng tuyến đảm bảo cho phương tiện lưu thông êm thuận, an toàn.

Đối với hư hỏng mặt đường ở QL1, căn cứ kế hoạch sửa chữa định kỳ 2022 - 2023 đã duyệt, Khu 2 ưu tiên chọn những điểm hư hỏng nặng, diện tích lớn để cào bóc thảm lại mặt, xử lý dứt điểm, khối lượng này sẽ được bóc tách không để chồng lấn trong quá trình sửa chữa sau này. Các vị trí còn lại tiếp tục dặm vá ổ gà đến khi thực hiện dự án sửa chữa định kỳ.

 

 

 

Điểm sạt Dốc Chó nhìn từ trên cao có thể thấy nguy cơ còn xảy ra sạt lở tiếp vì phía sau đồi còn có 1 dòng suối chảy.


Đối với các điểm sạt lở nghiêm trọng trên QL48D, 48E, Cục giao Sở GTVT phối hợp đơn vị tư vấn, khảo sát lên phương án khắc phục từng vị trí để Cục xem xét phê duyệt. Các phương án phải đảm bảo tính tối ưu, hiệu quả và an toàn.

Đối với điểm sạt Dốc Chó, ông Ảnh cho biết: "Năm nào cũng xảy ra sạt lở gây tắc đường. Trong thời gian này, Khu và Công ty CP 495 hót đất sụt, bạt hạ mái taluy, kết hợp làm rãnh thấm thoát nước ngầm. Khi kết cấu mái taluy ổn định sẽ khảo sát tìm kiếm phương án tối ưu".

 

 

Nguồn tin: Văn Thanh - Báo Giao thông