Kiểm soát chặt và tiến tới đẩy lùi xe quá tải ở Cục Quản lý Đường Bộ II

Ngày 08/4/2015

Nhận thức được trách nhiệm về công tác KSTTX trong Năm ATGT 2014 với chủ đề là “Siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” để bảo vệ tốt cơ sở hạ tầng đường bộ và góp phần đảm bảo TTATGT, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN, ngay từ giữa tháng 7/2014 Cục QLĐBII đã có các văn bản chỉ đạo các Chi cục QLĐB trực thuộc bố trí cán bộ thị sát thực địa, thống kê tình trạng xe quá tải, xe vi phạm kích thước thùng chở hàng ô tô tải tự đổ hoạt động trên các tuyến đường bộ cung ứng, phục vụ cho các dự án, công trình, đơn vị cụ thể trên địa bàn. 

Cũng như Kế hoạch hành động và Quyết định của Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN về thanh tra và thành lập đoàn thanh tra xử lý hành vi tự ý vi phạm kích thước thùng chở hàng ô tô tải tự đổ và các biện pháp ngăn chặn ô tô chở hàng quá tải trọng tham gia các dự án xây dựng công trình giao thông đường bộ; yêu cầu các ban QLDA, nhà đầu tư BOT, các doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp vận tải, triển khai ngay các biện pháp, giải pháp tổ chức thực hiện.

Với mục tiêu kiểm soát chặt và tiến tới đẩy lùi xe quá tải, năm 2014, Cục Quản lý Đường bộ II (Cục QLĐBII) ra quân đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) và bước đầu đã thu được những kết quả khả quan.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Năm 2014, Cục QLĐBII đã in ấn, phát hành tờ rơi, tờ gấp và bài tuyên truyền trên loa phóng thanh tới cư dân sinh sống 2 bên các tuyến QL về tác hại của xe ô tô chở hàng quá tải trọng làm hư hỏng nghiêm trọng kết cấu hạ tầng đường bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao và sẽ bị nhà nước xử phạt nặng về hành vi vi phạm này.
Riêng địa bàn tỉnh Nghệ An, Cục QLĐBII đã phối hợp với Thanh tra Sở GTVT Nghệ An tuyên truyền phổ biến pháp luật về TTATGT, KSTTX sâu rộng đến cư dân nhiều huyện trên địa bàn gồm cả các huyện miền núi phía Tây Nghệ An; trong đó có kết hợp vừa xử lý; vừa tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về tải trọng xe và ATGT nên đã vận động được chủ doanh nghiệp vận tải, chủ xe ô tô tải tự đổ tự giác cắt được 283 xe Howo ở địa bàn Nghệ An, kể cả xe Howo trước Thông tư 32, đạt tỷ lệ trên 80%.
Tại Hà Tĩnh, với tinh thần kiên trì chốt chặn xử lý vi phạm từ KSTTX của Cục ở địa bàn Kỳ Anh và phối hợp thông tin, tuyên truyền trên truyền thông, đến cuối năm 2014, đầu năm 2015, các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh đã thực sự vào cuộc về KSTTX và kiên quyết xử lý cưỡng chế cắt thùng xe vi phạm kích thước thùng chở hàng xe ô tô tải tự đổ.
Kết quả bước đầu.

Cục QLĐBII đã thành lập 3 đoàn thanh tra về công tác KSTTX và xử lý xe vi phạm kích thước thùng hàng trên các tuyến QL; trong đó làm nhiệm vụ chủ yếu tại 2 đại công trường có nhiều xe quá tải hoạt động là Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp Formusa Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp Nghi Sơn (Thanh Hóa), đồng thời chọn các vị trí yết hầu về hoạt động của xe quá tải ở các đoạn tuyến đường bộ này để chốt chặn KSTT xe. Kết quả đã xử lý cắt tại chỗ được 16 xe vi phạm kích thước thùng hàng, yêu cầu chủ xe tự giác cắt được 192 xe vi phạm thùng hàng và xử phạt vi phạm hành chính 290 trường hợp, phạt tiền 1.604.900.000đ đối với xe vi phạm về tải trọng và kích thước thùng chở hàng; tước giấy phép lái xe, tạm giữ nhiều tem kiểm định, biển số và giấy tờ xe để đảm bảo việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Đẩy mạnh phối hợp xử lý xe chở gỗ quá tải, quá khổ hoạt động trên các tuyến QL

Địa bàn Cục QLĐBII quản lý có nhiều doanh nghiệp vận tải hoạt động kinh doanh vận tải gỗ từ Lào về Việt Nam qua các cửa khẩu Quốc tế LaLay, Lao Bảo (Quảng Trị) và qua QL7 Nghệ An vào Việt Nam. Các doanh nghiệp vận tải của cả Lào và Việt Nam hầu hết đều sử dụng xe siêu tải. Trong năm 2014, từ ý thức trách nhiệm của tổ chức mình, Cục QLĐBII đã chỉ đạo đơn vị đặt hàng về công tác quản lý bảo dưỡng thường xuyên đường bộ các đoạn tuyến này nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của xe quá tải chở gỗ ở các đoạn tuyến QL và thời gian hoạt động cụ thể. Trên cơ sở đó, Cục chỉ đạo đơn vị trực tiếp quản lý đường bộ cùng Chi cục QLĐB thực hiện lập chốt để ngăn chặn; đồng thời, đề nghị Sở GTVT, Công an tỉnh, Công an các huyện có liên quan cùng phối hợp với Cục QLĐBII để ngăn chặn, xử lý đối tượng xe vi phạm quá tải trọng. Những quyết tâm đó đã ngăn chặn thành công, buộc phải hạ tải mới được tiếp tục lưu hành đối với 214 xe chở gỗ siêu tải từ Lào về Việt Nam (Thừa Thiên Huế 52 xe, Quảng Trị 100 xe và Nghệ An 62 xe).
Công tác giám sát, kiểm tra hoạt động của Trạm KTTTX lưu động các tỉnh trên địa bàn

Công tác giám sát, kiểm tra, Cục QLĐBII đã chỉ đạo các Chi cục thường xuyên giám sát về thời gian, địa điểm hoạt động của Trạm KTTTX lưu động từng tỉnh; đồng thời trích xuất dữ liệu giám sát của Tổng cục ĐBVN để báo cáo kịp thời về Tổng cục ĐBVN và UBND các tỉnh vị trí đặt trạm KTTTX không phù hợp hoặc trạm hoạt động không liên tục, trạm ít đưa xe vào kiểm tra, trạm có số giờ hoạt động thấp để cấp có thẩm quyền chấn chỉnh kịp thời các Trạm này theo yêu cầu liên tục 24h/24h hàng ngày, 7ngày/tuần và kiểm soát đầy đủ đối tượng vi phạm.

Nhiệm vụ KSTTX năm 2015

Năm 2015 tiếp tục là Năm ATGT của cả nước, Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo Siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện nhằm mục tiêu bảo vệ tốt cơ sở hạ tầng đường bộ, giảm TNGT, giảm được số lượng người chết vì TNGTĐB; trong đó ngày 07/01/2015 Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 16/CĐ-TTg về việc tiếp tục chấn chỉnh và xử lý triệt để tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng cho phép .

Nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình, Cục QLĐBII xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ KSTT xe của Cục trong năm 2015 với nhiệm vụ trọng tâm:

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của các trạm KTTTX lưu động của các tỉnh trên địa bàn, gồm giám sát thường xuyên của Cục tại địa bàn và kiểm tra, giám sát của Cục từ trích xuất dữ liệu giám sát KTTTX của Tổng cục để báo cáo kịp thời về Tổng cục ĐBVN và UBND các tỉnh các nội dung cần chấn chỉnh về vị trí, lượng xe vào kiểm tra và thời gian hoạt động để tăng hiệu quả hoạt động của các trạm KTTT xe lưu động của các tỉnh trên địa bàn.

Duy trì hoạt động của các đoàn thanh tra chuyên ngành Đường bộ của Cục QLĐBII để tiến hành thanh tra thường xuyên và thanh tra đột xuất xe chở hàng quá tải trọng, xe quá khổ và xe ô tô tải tự đổ vi phạm kích thước thùng chở hàng hoạt động trên các tuyến đường bộ mà Cục QLĐBII được giao quản lý, trọng tâm là ở địa bàn Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và tuyến Nghi Sơn – Bãi Trành (Thanh Hóa), xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời chỉ đạo các Chi cục QLĐB trực thuộc thường xuyên thanh tra độc lập khi phát hiện xe chở hàng quá tải trọng, xe quá khổ, xe vi phạm kích thước thùng chở hàng ô tô tải tự đổ thì lập biên bản vi phạm hành chính chuyển về Cục QLĐBII để xử lý theo thẩm quyền.
Cần bố trí kinh phí kịp thời để duy trì các trạm kiểm tra

Do đặc thù và yêu cầu công tác KSTTX trên địa bàn, Cục QLĐBII có 2 đại công trường thu hút rất nhiều xe quá tải hoạt động là Khu Kinh tế – Khu Công nghiệp Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và Khu Kinh tế – Khu Công nghiệp Nghi Sơn (Thanh Hóa), gây hư hỏng nghiêm trọng QL12C (Hà Tĩnh) và QL  Nghi Sơn – Bãi Trành (Thanh Hóa). Ngay từ đầu năm 2015, Cục QLĐBII phải thành lập và duy trì thường xuyên hoạt động của 02 đoàn thanh tra ở 2 địa bàn này, khó khăn của Cục QLĐBII trong năm 2015 về công tác KSTT xe chính là nguồn kinh phí còn hạn chế phục vụ hoạt động chuyên môn. Vì vậy, Cục QLĐBII xin kiến nghị Tổng cục ĐBVN và Bộ GTVT bố trí bổ sung kinh phí từ ngân sách nhà nước khoản chi không thường xuyên đảm bảo cho hoạt động của các đoàn thanh tra ở Cục theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010, đồng thời bố trí kinh phí chi bồi dưỡng cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra ngay từ đầu năm.

Theo Quy định về quản lý hoạt động của trạm KTTTX lưu động tại Quyết định số 2919/QĐ-BGTVT thì trạm KTTT xe lưu động các tỉnh hoạt động trên cơ sở Kế hoạch Trạm lập, được UBND tỉnh phê duyệt (trong đó, gồm cả vị trí hoạt động của trạm) và chưa có quy định về thẩm quyền của Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN trong việc xác định vị trí đặt Trạm KTTTX lưu động và trạm KTTTX lưu động địa phương phải chấp hành. Vì thế để tăng hiệu quả hoạt động của các trạm KTTTX lưu động trên địa bàn và bổ sung thẩm quyền của Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN trong việc xác định vị trí đặt hoạt động các trạm KTTT xe trong các trường hợp cần thiết; đề nghị Tổng cục ĐBVN tham mưu cho Bộ GTVT bổ sung thêm quy định tại điểm d, khoản 4, Điều 8 Quy định về quản lý hoạt động của Trạm KTTTX lưu động ban hành kèm theo Quyết định số 2919/QĐ-BGTVT ngày 24/9/2013 của Bộ trưởng Bộ GTVT nội dung sau: “Vị trí kiểm tra được xe quá tải hoạt động trên địa bàn tỉnh nhiều nhất; nếu vị trí mới xác lập này chưa có trong Kế hoạch KSTTX được UBND tỉnh phê duyệt thì trước mắt thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN. Sau đó, trạm KTTTX lưu động bổ sung vào Kế hoạch KSTTX lưu động trình UBND tỉnh phê duyệt bổ sung để tiếp tục thực hiện”.

Bộ GTVT có văn bản chỉ đạo tất cả các Trạm KTTT xe lưu động đều phải lắp đặt hệ thống camera giám sát 2 đầu Trạm và quy định trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo phụ trách thuộc Sở GTVT, Công an tỉnh, Chánh Thanh tra Sở GTVT thường xuyên theo dõi, trích xuất từ dữ liệu này để xử lý, tăng hiệu quả hoạt động của các trạm KSTTX lưu động các tỉnh.

Đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu xử lý toàn bộ các xe ô tô tải tự đổ đều phải có kích thước thùng chở hàng phù hợp với tải trọng cho phép của cầu đường bộ Việt Nam; những xe đã nhập khẩu trước Thông tư 32/2012/TT-BGTVT cũng cần thiết có quy định bổ sung về kích thước lòng thùng hàng xe cụ thể để tạo nên bình đẳng của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô và là tiền đề KSTTX có hiệu quả bền vững, dài lâu.

Hồ Văn Sự